-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách gieo trồng mồng tơi nhanh thu hoạch
29/10/2022
Cách gieo hạt mồng tơi nhanh nảy mầm
Để gieo hạt mồng tơi, bạn có thể mua hạt giống sau đó trực tiếp gieo xuống đất rồi tưới nước hàng ngày đợi hạt nảy mầm. Cách gieo hạt mồng tơi này hạt vẫn nảy mầm được nhưng tỉ lệ nảy mầm thấp chỉ đạt 60%. Vậy nên, bạn cần phải ngâm ủ hạt mồng tơi trước khi gieo sẽ giúp tỉ lệ nảy mầm cao hơn lên đến 90%. Cách làm như sau:
Bước 1: Lựa chọn hạt mồng tơi
Để hạt nảy mầm tốt, cây con to khỏe thì việc chọn hạt giống góp phần không nhỏ. Khi chọn hạt giống, bạn nên mua hạt được bán từ các cửa hàng, công ty có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú ý chọn hạt chắc mảy, loại bỏ những hạt bị lép, sâu bệnh, nấm mốc. Hạt giống cần có hạn sử dụng dài để khả năng nảy mầm cao hơn.
Bước 2: Ngâm ủ hạt giống
Hạt mồng tơi thuộc loại có vỏ cứng dày nên thời gian nảy mầm lâu. Để rút ngắn thời gian nảy mầm và tỉ lệ nảy mầm của hạt cao, bạn cần ngâm hạt giống trước khi gieo. Trước tiên, bạn cần rửa qua hạt giống, rồi cho hạt vào nước ấm pha theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh. Thời gian ngâm hạt giống phụ thuộc vào thời tiết. Nếu ngâm hạt vào những ngày trời nóng bức thì ngâm khoảng 2 – 4 tiếng, nếu vào những ngày đông giá rét, thời gian ngâm hạt lâu hơn, khoảng 4 – 6 tiếng. Sau khoảng thời gian đó, bạn bỏ hạt ra để ráo nước một chút cho dễ rải hạt rồi mang ra gieo.
Bước 3: Chuẩn bị đất trồng
Hiện nay, ngoài đất vườn, đất ruộng, mồng tơi cũng có thể được gieo trong thùng xốp, khay chứa để trồng trên sân thượng hoặc sân nhà.
Mồng tơi là loại cây dễ trồng, nhưng nó phát triển tốt trên loại đất thịt nhẹ. Đây cũng là cây ưa nắng nên khi chọn khu đất gieo hạt hoặc đặt thùng chứa, bạn cần chọn chỗ có nhiều nắng, thoáng, khả năng thoát nước tốt. Bạn phơi nắng khoảng 2 – 3 ngày cho thoáng đất và hạn chế mầm sâu bệnh, sau đó trộn thêm mùn dừa, phân trùn quế, phân bò hoặc phân gà, rắc thêm một ít vôi bột rồi trộn đều. Sau đó, đánh luống để gieo hạt trên đất vườn hoặc cho đất đó vào thùng xốp hoặc khay nhựa.
Nếu gieo hạt trong thùng xốp hoặc khay nhựa, bạn cần thiết kế thùng chứa để đảm bảo việc thoát nước và giữ dinh dưỡng trong đất cho cây. Bạn dùng mũi dao gọt trái cây đầu nhọn cho dễ làm, đâm thẳng vào cạnh thùng cách đáy khoảng 5cm để làm lỗ thoát nước. Bạn có thể chọc một lỗ cho mỗi cạnh của thùng. Lỗ đục không nên quá to vì sẽ làm chất dinh dưỡng của đất dễ trôi theo nước, cũng không nên nhỏ quá khiến nước trong chậu không thoát, gây úng nước.
Bước 4: Gieo hạt
Sau khi ngâm xong hạt giống, bạn có thể gieo mồng tơi theo hai cách. Cách thứ nhất, bạn rải hạt đều tay trên mặt đất với mật độ từ 2cm đến 5 cm giữa các hạt. Nếu gieo dày quá, khi cây mọc sẽ chen chúc nhau, cây còi nhỏ, và bạn sẽ mất nhiều công để tỉa cây. Bạn cũng có thể gieo hạt theo hàng bằng cách kẻ hàng trên mặt luống sao cho khoảng cách giữa các hàng khoảng 10 – 15cm, sau đó rải hạt theo hàng đã vẽ. Khoảng cách giữa các hạt trong một hàng từ 5 – 10cm để bạn có thể tỉa thêm khi cây lớn hơn.
Bước tiếp theo, bạn nên rắc một lớp đất mỏng lên trên để che phủ và giữ ẩm cho hạt giống, sau đó tưới ẩm để hạt nhanh nảy mầm. Bạn có thể không cần phủ đất cho hạt, nhưng không nên phủ đất quá dày, sẽ làm cây nảy mầm lâu hơn. Bạn cần đảm bảo tưới ẩm cho hạt gieo 2 lần một ngày nếu trời khô nóng, khoảng 7 – 10 ngày sau hạt sẽ mọc thành cây con. Nếu bạn không đảm bảo được độ ẩm phù hợp, hạt giống có thể bị hỏng hoặc lâu nảy mầm hơn.
Như vậy, với cách gieo hạt mồng tơi như trên, bạn chỉ cần mất thêm một chút công ngâm ủ hạt thì tỉ lệ nảy mầm khi gieo sẽ rất cao. Nếu bạn lười ngâm ủ thì có thể gieo trực tiếp cũng được nhưng tỉ lệ nảy mầm thường không cao.